Kiếm tiền nhanh dễ bỏ học

0
380

(HNM) – Không mất tiền đầu tư cho việc đèn sách, chẳng tốn công trau dồi bài vở, nhiều cô cậu học trò đã sớm gác bút, bỏ học, ở nhà làm nghề kiếm tiền. Rồi kết hôn sớm và “lên chức bố, mẹ” khi chưa đến tuổi mười tám, đôi mươi. Đây là một trong những mặt trái của sức hút lao động trẻ em tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở các vùng nông thôn của Hà Nội.

Lợi trước mắt

Mùa cưới cuối năm 2011 đang đến, nhiều đôi lứa chưa qua cái tuổi cắp sách tới trường đã vội lên xe hoa. Một trong những lý do đáng nói nhất là các em đã bỏ học để theo nghề thủ công của gia đình, địa phương rồi lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định. Hầu hết các em khá thạo nghề và kiếm được tiền từ khi lên 7, lên 10 tuổi. Chuyện như vậy không xa lạ ở làng T., huyện Thường Tín. Trong ngày về dự đám cưới cô cháu họ, tôi ngạc nhiên khi biết một số bà mẹ có con lên xe hoa mà chưa được đăng ký kết hôn. Bà H. cho rằng, con gái không cần học nhiều, chỉ cần có cái nghề kiếm được tiền là tốt rồi. Bà H. khoe, lên 8 tuổi cháu đã thêu đính cườm thoăn thoắt, làm tại nhà, vừa đi học vừa tranh thủ làm ngoài giờ lên lớp, từ 12 tuổi đến nay cháu làm thợ may màn ở xưởng may gần nhà, mỗi tháng cũng được 1,5 – 2 triệu đồng. Học hết lớp 8, với lý do học chữ “khó vào” mà kiếm tiền lại “nhanh ra” nên con gái bà bỏ học. Và bỏ học làm nghề không còn là chuyện lạ ở làng T. Trước mỗi kỳ chuyển cấp THCS lên THPT, nhiều gia đình đã thuận theo ý con là dừng việc học, con trai làm mộc, con gái thì may màn, thêu thùa, buôn bán. Một trong những lý do của các bà mẹ ở đây là học hết THPT, trung cấp, cao đẳng hay đại học, ra trường xin việc rất khó, vì vậy đi làm nghề kiếm tiền luôn, đỡ tốn tiền ăn học nhiều năm. Theo thống kê tại xã nghề mây giang đan Phú Túc, huyện Phú Xuyên, những năm qua, toàn xã có 42 trường hợp bỏ học, chủ yếu ở hai làng nghề phát triển là Tư Sản và Lưu Thượng.

Hại lâu dài

Theo thống kê, hiện nước ta có 25.000 trẻ em phải lao động sớm. Một nghiên cứu do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện ở 8 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) cho thấy, tình hình lao động trẻ em (LĐTE) tại các làng nghề thủ công, nơi trẻ em làm việc trong các hộ gia đình đang trở nên nghiêm trọng, dẫn đến bỏ học và nguy cơ bỏ học sớm. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến cuối năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học đều giảm. Toàn thành phố có 1.915 em bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,19%; trong đó cấp THPT có số lượng bỏ học nhiều nhất là 1.379 em; cấp THCS có 518 em và tiểu học có 18 em. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về số học sinh bỏ học ở các làng nghề song đây cũng là một trong những việc cần được quan tâm hơn. Kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về trẻ em lao động sớm tại một số quận, huyện giai đoạn 2009-2010 đã cho thấy gần 85% trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại khi đang đi học, đặc biệt có 18,3% đang học tiểu học, 54,57% học THCS và 27% học THPT. Đáng chú ý là gần 60% trẻ em phải làm việc sau giờ đi học, 40% làm việc cả trước và sau giờ đi học, hầu hết trẻ em phải làm việc quanh năm. Các nghề chủ yếu là mây tre giang đan, thêu, mộc, khảm trai…

Luật pháp nước ta cấm sử dụng LĐTE dưới 15 tuổi, nhưng các gia đình cho rằng việc tham gia lao động của những đứa con để tăng thu nhập là chuyện bình thường. Thậm chí, việc này còn có tác động tích cực và trẻ em trở thành lực lượng lao động chính, chia sẻ gánh nặng công việc, trách nhiệm gia đình. Hơn nữa, trước tình trạng khó khăn của đầu ra sau đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, các gia đình sẵn có nghề thủ công chủ động cho trẻ bỏ học sớm để kiếm ra tiền. Tuy nhiên, họ chỉ thấy cái lợi trước mắt là có việc làm mà không tính đến giá trị lao động trẻ em không cao, lao động sớm ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần của trẻ, đặc biệt là dẫn đến tình trạng tảo hôn. Thay vì giải quyết việc làm và thu nhập trước mắt, các gia đình cần đầu tư cho con đi học để có trình độ kiến thức, hiểu biết xã hội, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật sau này phát triển nghề sẽ tốt hơn…

Vân Nga

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây